Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp rèn kĩ năng giải toán có lời văn cho học sinh lớp 2

pdf 25 trang thienle22 6260
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp rèn kĩ năng giải toán có lời văn cho học sinh lớp 2", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfsang_kien_kinh_nghiem_mot_so_bien_phap_ren_ki_nang_giai_toan.pdf

Nội dung text: Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp rèn kĩ năng giải toán có lời văn cho học sinh lớp 2

  1. DÀN Ý TÓM TẮT Phần I: Đặt vấn đề. I. Lý do chọn đề tài. II. Mục đích nghiên cứu. III. Phương pháp nghiên cứu. Phần II. Nội dung. I. Cơ sở lý luận. II. Thực trạng. III. Biện pháp thực hiện. 1. Phân loại các bài toán đơn. 2 . Rèn cho học sinh có những kỹ năng cơ bản. 2.1. Kỹ năng tìm hiểu đề toán và tóm tắt đề toán. 2.2. Kỹ năng tìm phép tính thích hợp. 2.3. Kỹ năng trình bày bài giải. 2.4. Kỹ năng kiểm tra, đánh giá kết quả bài giải. 3 . Hướng dẫn học sinh nhận diện dạng toán, tìm cách giải phù hợp. 4. Nâng cao kỹ năng giải toán có lời văn bằng trò chơi toán học. 4.1. Thi giải toán nhanh. 4.2. Đố vui toán học. 5. Kết hợp với phụ huynh để rèn kỹ năng giải toán cho học sinh. 5.1. Kiểm tra thường xuyên đối với học sinh yếu toán. 5.2. Khen thưởng những học sinh tiến bộ trong học tập. 5.3. Trao đổi thông tin hai chiều. Phần III. Kết luận và khuyến nghị. I. Kết luận. II. Ý nghĩa. III.Khuyến nghị. 1
  2. PHẦN I. ĐẶT VẤN ĐỀ I. Lý do chọn đề tài Đất nước ta đang trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải có những con người phát triển toàn diện, có đủ tri thức và có sức khỏe dồi dào. Giáo dục tiểu học ở nước ta cũng đang thực hiện đổi mới đồng bộ nhằm đào tạo những con người lao động tự chủ, năng động, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển đất nước và hội nhập vào tiến bộ chung của thế giới. Đặc biệt, hiện nay việc đổi mới phương pháp dạy học đang được chú trọng trong các ngành học, cấp học. Vì vậy giáo dục tiểu học đã xác định rõ nhiệm vụ: “ Tiểu học là cấp học nền tảng, đặt cơ sở ban đầu cho việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách của con người, đặt nền móng vững chắc cho giáo dục phổ thông, cho toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân” Hiện nay giáo dục tiểu học đang thực hiện giảng dạy theo chương trình tiểu học mới. Mỗi môn học, bài học đều mới mẻ về nội dung cũng như phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Để các em nắm được nội dung kiến thức thì mỗi giáo viên phải có phương pháp truyền thụ phù hợp với đặc điểm tư duy của học sinh tiểu học. Các môn học tiểu học đều có mối quan hệ với nhau, hỗ trợ cho nhau. Trong các môn học, cùng với môn tiếng việt thì môn toán có vị trí rất quan trọng, mở đầu cho học sinh đi vào thế giới kì diệu của toán học. Nó giúp cho các em bước đầu phát triển năng lực tư duy logic, khả năng suy luận hợp lí và diễn đạt đúng (nói và viết) cách phát hiện và cách giải quyết vấn đề đơn giản, gần gũi trong cuộc sống, kích thích trí tưởng tượng, bồi dưỡng và phát triển những thao tác trí tuệ cần thiết để nhận thức thế giới hiện thực như: Trừu tượng hóa, khái quát hóa, so sánh, dự đoán, chứng minh bác bỏ. Môn toán còn rèn luyện cho các em phương pháp suy nghĩ, phương pháp suy luận, phương pháp tự học và làm việc có kế hoạch khoa học, từ đó giúp học sinh phát triển trí thông minh, tư duy độc lập, linh hoạt, sáng tạo, Mặt khác, toán học là một môn khoa học được ứng dụng nhiều trong thực tế, giúp các em biết cách tính toán và biết dự tính cuộc sống hàng ngày. Rèn cho các em kỹ năng, kỹ xảo tính toán, rèn tính kiên trì, cẩn thận trong làm việc. Việc dạy toán cho học sinh tiểu học là một việc rất khó. Để các em nắm bắt được nội dung kiến thức thì giáo viên phải có phương pháp truyền thụ phù hợp với đặc điểm tư duy của học sinh tiểu học. Tư duy của các em còn mang tính cụ thể, hình tượng mà toán học lại đòi hỏi sự suy luận tư duy cao. 2
  3. Chúng ta đã biết, không có một phương pháp dạy học nào là vạn năng, không có con đường nào duy nhất đúng để đảm bảo cho mọi học sinh học tốt và phù hợp với từng môn học. Chính vì thế giáo viên phải nghiên cứu, sử dụng kết hợp linh hoạt các phương pháp dạy học, nhằm đảm bảo thực hiện mọi lĩnh vực học tập khác nhau. Nhận thức được vấn đề đó và thấy rõ vai trò của việc dạy học toán. Năm học vừa qua trong quá trình giảng dạy, tôi đã nghiên cứu tài liệu đổi mới phương pháp dạy học ở tiểu học, nghiên cứu một số vấn đề về nội dung và phương pháp dạy học môn toán ở tiểu học. Với thực nghiệm giảng dạy và kinh nghiệm của bản thân, tôi đúc rút cho mình phương pháp dạy học phù hợp với học sinh lớp 2 để các em tiếp thu kiến thức toán một cách dễ dàng và hiệu quả. Một trong những kỹ năng toán học mà tôi đã giảng dạy và rèn luyện cho học sinh lớp 2 đã thu được kết quả là: “Một số biện pháp rèn kĩ năng giải toán có lời văn cho học sinh lớp 2”. Tôi mạnh dạn đưa ra để các đồng chí, đồng nghiệp tham khảo. II. Mục đích nghiên cứu - Rèn kĩ năng phân tích tổng hợp cho học sinh lớp 2. - Rèn tính kiên trì, cẩn thận cho học sinh. - Phát triển năng lực tư duy học toán cho học sinh. - Hình thành và rèn luyện các kĩ năng thực hành, phân tích, tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa phát triển trí tưởng tượng cho học sinh. - Góp phần nâng cao chất lượng học tốt môn toán và các môn học khác. III. Phương pháp nghiên cứu. 1.Cơ sở lý luận - Sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu về đổi mới phương pháp dạy học ở tiểu học. - Sách giải đáp về dạy học toán ở tiểu học. - Sách giáo khoa, sách giáo viên toán lớp 2. - Tóm tắt các tài liệu. - Kết hợp với thực tiễn, phân tích các vấn đề từ đó rút ra quan điểm cho bản thân. 2. Điều tra thực trạng. - Tìm hiểu đối tượng học sinh lớp 2. - Khảo sát chất lượng học sinh bằng phương pháp đàm thoại, kiểm tra viết. 3. Đối tượng nghiên cứu. - Học sinh lớp 2B trường Tiểu học Nam Hồng. 3
  4. PHẦN II. NỘI DUNG I. CƠ SỞ LÝ LUẬN. Phát triển năng lực theo từng mức độ cho học sinh ngay từ bậc tiểu học là trách nhiệm của nhà trường( người thầy), là yêu cầu của xã hội, là mong mỏi của các bậc phụ huynh và cũng là ước muốn chính đáng của học sinh. Môn toán có ưu thế về mặt này. Chương trình toán lớp 2 là sự nối tiếp của trương trình toán lớp 1. Chương trình này kế thừa và phát triển những thành tựu về dạy học toán lớp 2 ở nước ta, thực hiện những đổi mới về cấu trúc nội dung để tăng cường thực hành và ứng dụng kiến thức mới nhằm giúp học sinh hoạt động học tập tích cực, linh hoạt, sáng tạo theo năng lực của từng học sinh. Dạy học toán lớp 2 giúp các em bước đầu có một số kiến thức cơ bản, đơn giản, thiết thực về phép cộng, phép trừ có nhớ trrong phạm vi 100. Phép nhân, phép chia từ bảng 2 đến bảng 5, các số đến 1000, các đơn vị đo độ dài, nhận biết về hình học. Hình thành và rèn luyện các kĩ năng thực hành, phân tích, tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa phát triển trí tưởng tượng cho học sinh. Việc dạy học toán có lời văn ở lớp 2 vô cùng quan trọng nhằm giúp học sinh: - Biết giải và trình bày bài giải các bài toán đơn về cộng, trừ trong đó có các bài toán về nhiều hơn, ít hơn một số đơn vị, các bài toán đơn về nhân, chia( phép tính trong bảng nhân, bảng chia trong phạm vi 5) - Bước đầu làm quen với giải toán có nội dung hình học( tính độ dài đường gấp khúc, tính chu vi hình tam giác, chu vi hình tứ giác). - Rèn luyện phương pháp giải toán và khả năng diễn đạt( phân tích, tóm tắt đề bài, giải quyết vấn đề và trình bày bài giải bằng nói và viết). Học tốt môn toán ở lớp 2 sẽ là tiền đề để các em học tốt môn toán ở các lớp trên. Học sinh lớp 2 còn nhỏ, trong học tập nhanh nhớ nhưng lại nhanh quên. Chính vì thế đòi hỏi người giáo viên phải có bề dày kinh nghiệm và một phương pháp truyền thụ tinh chắc, ngắn gọn, dễ hiểu. Phải biết sử dụng phối hợp các phương pháp dạy học để hướng dẫn học sinh tự tìm tòi, phát hiện, tự chiếm lĩnh tri thức cho chính mình. Có như vậy giờ học mới đạt hiệu quả cao. II. THỰC TRẠNG Thực tế cho thấy, một số giáo viên trong quá trình dạy học toán giải toán có lời văn chưa đi sâu vào bản chất của bài toán, dẫn đến việc học sinh biết cách làm các phép tính về cộng, trừ hoặc các phép tính về nhân, chia nhưng làm toán có lời văn lại rất lúng túng, khó khăn. Các em chưa chỉ ra được mối quan hệ giữa các yếu tố toán học chứa trong bài toán và chưa nêu được phép tính thích 4
  5. hợp, để từ đó tìm ra đáp số của bài toán. Chính vì thế các em rất sợ khi gặp phải bài toán có lời văn. Thực tế ở lớp tôi sau 2 tuần thực học, tôi tiến hành khảo sát học sinh về môn toán với đề bài như sau( như ở phần phụ lục) Sau khi chấm bài tôi thống kê kết quả như sau: SS Giỏi Khá Trung bình Yếu SL % SL % SL % SL % 40 13 32,5 13 32,5 10 25,0 4 10,0 Qua khảo sát trên tôi thấy: Nhiều em kỹ năng tính toán còn hạn chế, phần lớn thường hay sai ở bài toán có lời văn và đặc biệt làm sai phép tính của bài toán. Một số em chọn được phép tính đúng nhưng lời giải chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, khả năng diễn đạt còn hạn chế( 11 em = 27,5 %) Đứng trước thực tế trên, tôi đã nghiên cứu và đưa ra một số biện pháp cụ thể, áp dụng trong các giờ dạy toán để giúp học sinh giải toán có lời văn được tốt. Cụ thể như sau: III. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN. 1. Phân loại các bài toán đơn. Toán đơn chính là các bài toán có một phép tính các em được học ở lớp 1, lớp 2 với cách hiểu là bài toán khi mà giải ta chỉ cần làm một phép tính (cộng, trừ, nhân hoặc chia) là tìm ra kết quả. Muốn rèn cho học sinh có kỹ năng giải toán có lời văn được tốt thì việc phân loại các bài toán đơn là một việc làm vô cùng quan trọng. Qua việc phân loại đó giúp cho người giáo viên nắm bắt được kiến thức để giải toán có lời văn ở lớp 2. Từ đó sẽ lựa chọn cho mình một phương pháp dạy học phù hợp với từng bài. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học, sau khi nghiên cứu tài liệu sách giáo khoa toán lớp 2, sách hỏi đáp về dạy học toán lớp 2, tôi đã phân loại các bài toán đơn như sau: a. Bài toán đơn về “nhiều hơn”, “ít hơn” (liên quan đến phép cộng, phép trừ). * Ví dụ 1: Hoa cân nặng 28 kg, Mai cân nặng hơn Hoa 3 kg. Hỏi Mai cân nặng bao nhiêu ki-lô-gam? ( Bài 3 - trang 38 - toán 2) * Ví dụ 2: Vườn nhà Mai có 17 cây cam, vườn nhà Hoa có ít hơn vườn nhà Mai 7 cây cam. Hỏi vườn nhà Hoa có mấy cây cam? ( Bài 1 - trang 30 - toán 2) b. Bài toán đơn (liên quan đến phép nhân, phép chia). 5
  6. * Ví dụ 3: Mỗi can đựng được 3l dầu. Hỏi có 5 can như thế đựng được bao nhiêu lít dầu? ( Bài 3 - trang 98 - toán 2) * Ví dụ 4: Có 15 bông hoa cắm đều vào 5 bình hoa. Hỏi mỗi bình có mấy bông hoa? ( Bài 2 - trang 121 - toán 2) * Ví dụ 4.1: Có 15 bông hoa cắm vào các bình hoa, mỗi bình có 5 bông. Hỏi cắm được mấy bình hoa? ( Bài 3 - trang 121 - toán 2) 2. Rèn cho học sinh những kỹ năng cơ bản. Lên lớp 2 các em tiếp tục được củng cố và rèn luyện giải các bài toán đơn có phép tính cộng, trừ sau đó được học tiếp các bài toán đơn có phép tính nhân, chia. Để giúp các em giải tốt các bài toán đơn tôi đã rèn cho học sinh phải nắm được những kỹ năng cơ bản để khi gặp bất kì bài toán nào của các dạng toán đã học các em đều giải được một cách hiệu quả nhất. 2.1 Kỹ năng tìm hiểu đề toán và tóm tắt đề toán. Qua nhiều năm giảng dạy khối 2 tôi nhận thấy để học sinh có kỹ năng giải tốt các bài toán có lời văn, trước hết giáo viên phải hướng dẫn học sinh tìm hiểu đề bài toán. Có tìm hiểu kỹ đề bài thì việc giải toán mới diễn ra thuận lợi. * Tìm hiểu đề. Để học sinh giải tốt bài toán trước hết giáo viên cần tổ chức cho học sinh đọc kỹ đề toán, hiểu rõ một số từ khóa quan trọng. * Ví dụ: Hoa cân nặng 28 kg, Mai cân nặng hơn Hoa 3 kg. Hỏi Mai cân nặng bao nhiêu ki-lô-gam? ( Bài 3 - trang 38 - toán 2) Tôi hướng dẫn học sinh tìm hiểu đề bài như sau. + Học sinh đọc cá nhân. + Giáo viên đọc mẫu lần 1( nếu cần), chú ý ngắt nghỉ sau mỗi câu. + Một học sinh khá, giỏi đọc lại bài toán còn những học sinh khác dùng que tính chỉ vào bài toán, đọc thầm theo. Với học sinh yếu và trung bình tôi yêu cầu các em đọc từng câu rồi mới nối cả bài toán. Câu 1: Hoa cân nặng 28kg. Câu 2: Mai cân nặng hơn Hoa 3kg. Câu 3: Hỏi Mai cân nặng bao nhiêu ki-lô-gam? * Đọc và trả lời câu hỏi. - Đọc phần đã cho của bài toán và trả lời: Bài toán cho biết gì? - Đọc phần phải tìm của bài toán và trả lời: Bài toán hỏi gì? 6
  7. Trong quá trình học sinh đọc tôi chú ý đến đối tượng học sinh yếu, học sinh trung bình. Sau vài lần hướng dẫn tỉ mỉ như vậy, thấy học sinh đã nắm được cách tìm hiểu đề toán tôi giảm bớt số lượng học sinh đọc đề đi và hỏi luôn câu hỏi khai thác để tránh tình trạng máy móc quá, mất thời gian. Đối với học sinh lớp 2 vốn từ ngữ còn ít ỏi, khả năng hiểu nghĩa từ còn hạn chế nên tôi hướng dẫn cho học sinh một số từ khóa quan trọng của đề bài ở các tiết chính khóa cũng như các tiết Hướng dẫn học. - Với dạng toán: + Bài toán về nhiều hơn có các từ khóa như sau: “nhiều hơn”, “dài hơn”, “cao hơn”, “nặng hơn”, “anh hơn em”. + Bài toán về ít hơn có các từ khóa như sau: “ít hơn”, “ngắn hơn”, “thấp hơn”, “nhẹ hơn”, “em ít hơn anh”. Với cách tìm hiểu nội dung bài toán như trên đã giúp học sinh lớp tôi nắm vững đề bài toán biết được cái đã cho, cái phải tìm, hiểu rõ các từ khóa trong bài toán. Đây là bước quan trọng đầu tiên của học sinh trong việc tìm ra cách giải toán. * Tóm tắt bài toán. Tóm tắt bài toán nghĩa là giúp học sinh cô đọng đề bài, hiểu và thể hiện rõ phần đã cho với phần cần tìm giúp cho việc giải toán được dễ dàng, chính xác. Với học sinh lớp 2 , khi dạy giải toán có lời văn tôi thường hướng dẫn các em tóm tắt theo 2 cách chính. - Tóm tắt bằng lời dưới dạng câu văn ngắn gọn - Tóm tắt dưới dạng sơ đồ đoạn thẳng Mỗi cách tóm tắt đều có ưu điểm của nó, tùy từng bài mà vận dụng cho thích hợp. Chẳng hạn, tóm tắt bằng lời giúp học sinh thấy rõ giả thiết, kết luận của bài toán, các con số viết tương ứng như là đặt tính hàng dọc, giúp học sinh dễ nhẩm ra đáp số. Tóm tắt bằng sơ đồ giúp học sinh thấy rõ mối quan hệ nhiều hơn, ít hơn. Từ đó lựa chọn phép tính dễ dàng và không nhầm lẫn giữa phép cộng và phép trừ. a. Đối với dạng toán đơn về “nhiều hơn”, “ít hơn” Tôi hướng dẫn học sinh cách tóm tắt bài toán như sau: * Ví dụ 1: Hoa cân nặng 28kg, Mai cân nặng hơn Hoa 3kg. Hỏi Mai cân nặng bao nhiêu ki-lô-gam? ( Bài tập 3 - Trang 38) Sau khi hướng dẫn học sinh đọc kĩ đề bài, xác định dạng toán tôi dẫn dắt các em bằng các câu hỏi gợi mở. 7
  8. + Hoa cân nặng bao nhiêu ki-lô-gam? (28kg). Vậy cô biểu thị số cân nặng của Hoa bằng một đoạn thẳng là 28kg. (Tôi kết hợp vẽ một đoạn thẳng trên bảng) + Số cân nặng của Mai so với số cân nặng của Hoa như thế nào? (nặng hơn 3kg) + Vậy cô biểu thị số cân nặng của Mai là một đoạn thẳng dài hơn hay ngắn hơn so với số cân nặng của Hoa? (dài hơn). (Tôi kết hợp vẽ một đoạn thẳng thứ hai dài hơn đoạn thẳng thứ nhất). + Vì sao cô vẽ đoạn thẳng biểu thị số cân nặng của Mai dài hơn? (Vì nặng hơn). + Vậy nặng hơn là bao nhiêu ki-lô-gam? (3kg). + Sau đó tôi yêu cầu học sinh so sánh độ dài của hai đoạn thẳng để chỉ ra được phần dài hơn tương ứng với 3kg. (Tôi kết hợp viết 3kg vào phần dài hơn đó). 28kg Hoa: 3kg Mai: ? kg (Sơ đồ này thường dùng trong các bài toán về “nhiều hơn” - Tìm số lớn, nhằm giúp học sinh chọn phép tính cộng). Điều lưu khi vẽ tóm tắt các đoạn thẳng, điểm đầu của hai đoạn thẳng phải bằng nhau. Việc làm này rất đơn giản nhưng đối với học sinh lớp 2 lại vô cùng quan trọng. Việc làm đó hình thành cho các em kỹ năng khi tóm tắt bài toán dùng sơ đồ đoạn thẳng một cách chính xác rõ ràng. * Ví dụ 2: Lớp 2A có 15 học sinh gái, số học sinh trai của lớp ít hơn số học sinh gái 3 bạn. Hỏi lớp 2A có bao nhiêu học sinh trai? ( Bài 3 - Trang 30 – Toán 2) Với bài toán này tôi hướng dẫn học sinh cách tóm tắt bằng những câu hỏi như sau: + Lớp 2A có bao nhiêu học sinh gái? ( 15 học sinh gái). Vậy cô biểu thị số học sinh gái là một đoạn thẳng tương ứng với 15 học sinh. + Số học sinh trai như thế nào so với học sinh gái? (ít hơn 3 học sinh) + Nếu cô biểu thị số học sinh trai bằng một đoạn thẳng thì đoạn này có độ dài như thế nào so với đoạn thẳng thứ nhất (ngắn hơn). + Vì sao con lại vẽ đoạn thẳng thứ 2 biểu thị số học sinh trai lại ngắn hơn đoạn thẳng thứ nhất biểu thị số học sinh gái? ( vì số học sinh trai ít hơn số học sinh gái). Tôi nhấn mạnh từ “ít hơn” để giúp học sinh so sánh, phân biệt độ dài 2 đoạn thẳng với nhau trong khi vẽ sơ đồ. 8
  9. + Vậy đoạn thẳng thứ 2 này ngắn hơn đoạn thẳng thứ nhất là bao nhiêu? (3 học sinh) hay nói cách khác đoạn thẳng thứ nhất dài hơn đoạn thẳng thứ 2 là bao nhiêu? (3 học sinh). Song song với lời dẫn dắt đó tôi kết hợp ghi phần tóm tắt lên bảng: 15 bạn Học sinh trai: 3 bạn Học sinh gái: ? bạn (Sơ đồ này thường dùng trong các bài toán về “ít hơn” - Tìm số bé, nhằm giúp học sinh chọn phép tính trừ). Để giúp học sinh dễ dàng trong khi tóm tắt tôi thường lưu ý các em khi gặp các bài toán về “nhiều hơn”, “ít hơn” các em nên tóm tắt bằng sơ đồ. Từ cách làm như vậy, tôi thấy học sinh lớp tôi xác định rất đúng dạng toán và chọn cách tóm tắt rất tốt. b. Đối với bài toán đơn (liên quan đến phép nhân, phép chia). Với bài toán dạng này tôi hướng dẫn các em tóm tắt bằng lời. * Ví dụ 3 : Mỗi nhóm có 3 học sinh, có 10 nhóm như vậy. Hỏi tất cả có bao nhiêu học sinh? Tôi hướng dẫn các em như sau : + Bài toán cho biết mỗi nhóm có bao nhiêu học sinh? (3 học sinh). Tôi nhấn mạnh cho học sinh biết “mỗi” tức là “một”. + Có mấy nhóm như vậy? (10 nhóm) + Bài toán yêu cầu chúng ta tìm gì? (Số học sinh trong 10 nhóm). Sau đó tôi chỉ rõ cho học sinh thấy được những cái đầu bài đã cho biết, các con ghi lại ở dòng thứ nhất và phần câu hỏi của bài toán các con ghi ở dòng thứ hai (chỉ ghi số và tên đơn vị kèm theo) và dấu hai chấm(:) con cần ghi thẳng hàng như: 1 nhóm : 3 học sinh 10 nhóm : . học sinh? * Ví dụ 4: Có 15 bông hoa cắm đều vào 5 bình hoa. Hỏi mỗi bình có mấy bông hoa? Ở các bài toán đơn liên quan đến phép tính chia, nếu giáo viên không hướng dẫn kĩ, sẽ dẫn đến các em hay tóm tắt ngược bài toán chẳng hạn : 15 bông hoa : 5 bình . bông hoa : 1 bình? 9
  10. Hoặc các em tóm tắt. 15 bông hoa : 5 bình 1 bình : . bông hoa? Chính vì vậy tôi đã nhấn mạnh cho học sinh bám vào câu hỏi của bài toán để tóm tắt cho chính xác, cụ thể: Đơn vị nào đã biết con ghi ở cột thứ nhất, đơn vị nào cần tìm thì con ghi ở cột thứ hai. Như ở ví dụ trên tôi hướng dẫn các em như sau : + Có bao nhiêu bông hoa? (15 bông) + Được cắm đều mấy bình hoa? (5 bình). + Bài toán hỏi gì? (1 bình có mấy bông hoa). + Bài toán yêu cầu con đi tìm đơn vị nào? (bông hoa). Vậy đơn vị bông hoa con ghi ở cột thứ hai. Còn đơn vị “bình” đã biết con ghi ở cột thứ nhất sau đó tôi ghi tóm tắt lên bảng : 5 bình : 15 bông hoa 1 bình : bông hoa? Từ cách hướng dẫn trên, với bất kì bài toán đơn nào đưa ra học sinh lớp tôi rất thành thạo trong khi tóm tắt. Sau khi hướng dẫn học sinh tóm tắt bài toán xong tôi tiếp tục hướng dẫn các em: 2.2. Kỹ năng tìm phép tính thích hợp Đây chính là khâu rất quan trọng, nó giúp cho các em bộc lộ rõ khả năng tư duy của mình. Vậy muốn có được kết quả này, đòi hỏi người giáo viên phải có hệ thống câu hỏi dẫn dắt logic, nêu câu hỏi và yêu cầu học sinh suy nghĩ xem để trả lời câu hỏi của bài toán phải thực hiện phép tính gì? Suy nghĩ xem từ số đã cho và điều kiện của bài toán có thể biết gì, có thể làm tính gì, phép tính đó có thể giúp trả lời câu hỏi của bài toán không? Trên các cơ sở đó, giúp các em từng bước hình thành được phép tính thích hợp. Cụ thể ở các ví dụ trên tôi đã hướng dẫn như sau : *Ví dụ 1: Tôi yêu cầu học sinh quan sát trên sơ đồ và hỏi : + Nhìn vào sơ đồ ta thấy Mai cân nặng hơn Hoa bao nhiêu ki-lô-gam? (3kg). + Muốn biết Mai cân nặng bao nhiêu ki-lô-gam con làm như thế nào? (thực hiện phép tính cộng 2+3). Sau khi học sinh đã tìm được phép tính thính hợp, tôi đã chốt lại cho các em cách giải bài toán nhiều hơn như sau: Nếu coi đoạn thẳng ngắn là số bé, đoạn thẳng dài là số lớn. Muốn tìm số lớn ta lấy “số bé” cộng với phần “nhiều hơn”( thực hiện phép tính cộng). * Ví dụ 2: Tôi cũng hướng dẫn các em như sau: 10
  11. + Nhìn vào sơ đồ ta thấy số học sinh trai ít hơn số học sinh gái là bao nhiêu bạn? (3 bạn). + Muốn biết số học sinh trai của lớp có bao nhiêu bạn con làm như thế nào? (thực hiện phép tính trừ 15-3). Sau khi học sinh tìm được phép tính thích hợp, tôi chốt lại cách giải bài toán về ít hơn đó là: Muốn tìm “số bé” lấy “số lớn” trừ đi “phần ít hơn”( thực hiện phép tính trừ). * Ví dụ 3: Tôi hướng dẫn các em: + Biết một nhóm có 3 học sinh. Muốn tìm 10 nhóm như vậy có bao nhiêu học sinh con làm như thế nào? (thực hiện phép tính nhân 3 x 10). + Sau khi học sinh đã chọn được phép tính tính hợp, tôi nhấn mạnh cho học sinh thấy được: Khi biết mỗi (một) ứng với một đơn vị nào đó, muốn tìm 2,3,4 đơn vị đó ta thực hiện phép tính nhân. * Ví dụ 4: Ở bài toán này tôi hướng dẫn các em như sau: + Biết 5 bình hoa có 15 bông hoa. Muốn tìm một bình hoa có bao nhiêu bông hoa con làm như thế nào? (ta thực hiện phép tính chia 15:5). Khi học sinh đã tìm ra được phép tính, tôi cũng khắc sâu cho học sinh thấy được: Khi biết các số 2,3,4 ứng với một đơn vị nào đó, muốn tìm được mỗi (một) ứng với đơn vị đó ta thực hiện bài toán bằng phép tính chia. Khi học sinh đã chọn tìm ra được phép tính thích hợp cho bài toán, tôi tiếp tục hướng dẫn các em: 2.3. Kỹ năng trình bày bài giải: Theo yêu cầu của môn Toán lớp 2, một bài giải toán có lời văn phần trình bày bài giải gồm có: - Câu lời giải - Phép tính - Đáp số Đây là những việc làm rất quen thuộc từ lớp 1 nên khi học sinh trình bày các bài toán có lời văn các em thường làm tương đối thành thục. Song để cả 3 đối tượng đều nắm vững phần này tôi luôn lưu ý học sinh như sau: * Khi ghi câu lời giải: các con cần dựa vào câu hỏi của bài toán, cách viết cụ thể như sau: - Cách 1: Bỏ chữ “hỏi”, thay chữ “bao nhiêu” hoặc “mấy” bằng chữ “số” sau đó thay dấu “ ?” bằng chữ “là” và viết dấu “:” → Cách này dẽ hiểu , phù hợp với các đối tượng học sinh, đặc biệt là học sinh trung bình - yếu vì nó trả lời theo trình tự xuôi chiều. 11
  12. * Ví dụ : Lớp 2A có 15 học sinh gái, số học sinh trai của lớp ít hơn số học sinh gái 3 bạn. Hỏi lớp 2A có bao nhiêu học sinh trai? ( Bài 3 - Trang 30 – Toán 2) Câu hỏi: Hỏi lớp 2A có bao nhiêu học sinh trai ? ↓ ↓ ↓ bỏ thay bằng chữ “số” thay bằng chữ “là” và dấu “:” Câu lời giải: Lớp 2A có số học sinh trai là: - Cách 2: Có thể bỏ chữ “hỏi”, “bao nhiêu”, đưa tên đơn vị lên trên, thêm chữ “số” ở đầu, chữ “là” ở cuối → được câu lời giải. Số học sinh trai lớp 2A có là: Cách này phù hợp với đối tượng học sinh khá, giỏi. Đây là 2 cách chính để làm điểm tựa giúp học sinh nêu được câu lời giải. Ngoài ra tôi cũng khuyến khích học sinh khá, giỏi nêu những lời giải khác phù hợp với nội dung câu hỏi. Với cách làm như trên, học sinh lớp tôi đã nắm bắt được cách ghi câu lời giải nhanh và chính xác. * Khi ghi phép tính: tôi yêu cầu học sinh đọc bài toán và trả lời: Bài toán cho biết gì? Hỏi gì? Và gọi 1 học sinh đọc lại câu hỏi. * Ví dụ: Hoa cân nặng 28 kg, Mai cân nặng hơn Hoa 3 kg. Hỏi Mai cân nặng bao nhiêu ki-lô-gam?( Bài 3 - trang 38 - toán 2) Câu hỏi: Hỏi Mai cân nặng bao nhiêu ki-lô-gam? + Muốn biết Mai cân nặng bao nhiêu kg con làm như thế nào? Mặc dù tôi hướng dẫn kĩ song với vói kinh nghiệm giảng dạy của bản thân tôi thấy được học sinh lớp 2 thường thì ghi được phép tính đúng nhưng lại hay ghi nhầm đơn vị của bài toán, đặc biệt là học sinh trung bình, yếu. Trường hợp này tôi khắc sâu cho học sinh bằng cách phô tô đến tận tay học sinh ghi nhớ cách tìm đơn vị của bài toán và yêu cầu học sinh học thuộc. Tôi cũng thường xuyên kiểm tra các em này. Đơn vị của bài toán bao giờ cũng ở sau chữ “bao nhiêu” hoặc “mấy” và ở trước dấu “?” VD1: Hỏi lớp 2A có bao nhiêu học sinh trai? ↓ Tên đơn vị VD2: Hỏi cắm được mấy bình hoa? ↓ Tên đơn vị 12
  13. * Khi ghi đáp số: Đây là bước đơn giản nhất hầu như các đối tượng học sinh đều làm tốt việc này. Tôi chỉ lưu ý học sinh khi ghi đáp số không cần mở, đóng ngoặc đơn tên đơn vị và để cho đẹp thì dóng thẳng với chữ bài giải. * Ví dụ: Có 15 bông hoa cắm vào các bình hoa, mỗi bình có 5 bông. Hỏi cắm được mấy bình hoa? ( Bài 3 - trang 121 - toán 2) Bài giải ( lùi vào 4 ô) Cắm được số bình hoa là: ( lùi vào 1 hoặc 2 ô) 15 : 5 = 3( bình hoa) ( lùi vào 3 ô) Đáp số: 3 bình hoa ( lùi vào 4 ô bằng dòng bài giải) Lúc đầu học sinh có lúng túng, còn hay quên cách trình bày, tuyệt đối giáo viên không vội vàng và làm thay học sinh. Áp dụng kiến thức vừa cung cấp cho học sinh tôi luôn kết hợp với việc giúp các em thực hành qua các bài toán của từng dạng toán cụ thể. * Bài toán về “nhiều hơn”, “ít hơn”. Ví dụ 1 Học sinh 1 Học sinh 2 Mai cân nặng số ki-lô-gam là: Số cân nặng của Mai là: 28 + 3 = 31(kg) 28 + 3 = 31(kg) Đáp số: 31kg. Đáp số: 31kg. Tôi yêu cầu học sinh nhận xét bài giải của hai bạn về kiến thức, câu lời giải, cách trình bày. Động viên những học sinh có lời giải hay và làm đúng kết quả của bài toán. Từ đó tôi chỉ ra cho học sinh thấy được, trong một bài toán có nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng phải đảm bảo đúng yêu cầu của bài toán nêu ra. Ví dụ 2. Tôi cũng gọi 2 học sinh lên bảng trình bày bài giải. Học sinh 1 Học sinh 2 Lớp 2A có số học sinh trai là: Số học sinh trai của lớp 2A là: 15 - 3 = 12 (học sinh) 15 - 3 = 12 (học sinh) Đáp số: 12 học sinh. Đáp số: 12 học sinh. Sau khi học sinh giải thành thạo 2 dạng toán trên, tôi yêu cầu học sinh nhận xét, rút ra cách giải giữa 2 dạng toán có điểm gì khác nhau để tránh nhầm lẫn trong khi làm bài. - Bài toán về “nhiều hơn” ta làm phép tính gì? (phép cộng) - Bài toán về “ít hơn” ta làm phép tính gì? (phép trừ) 13
  14. * Bài toán đơn (liên quan đến phép nhân, chia). Tôi cũng tiến hành với hình thức tương tự như trên Ví dụ 3: Học sinh 1 Học sinh 2 10 nhóm có tất cả số học sinh là: Số học sinh trong 10 nhóm là: 3 x 10 = 30 (học sinh) 3 x 10 = 30 (học sinh) Đáp số: 30 học sinh. Đáp số: 30 học sinh. Trong quá trình trình bày bài giải học sinh rất hay đặt ngược phép tính (3x10 thành 10x3). Do đó tôi đã lưu ý học sinh tìm đơn vị nào thì phải đặt số có tên đơn vị đó lên trước ở phần phép tính (như trình bày ở trên). Với dạng toán đơn liên quan đến phép nhân, phép chia có 2 dạng: - Chia thành phần bằng nhau( Ví dụ 4 bài 2 - trang 121 - toán 2) - Chia thành nhóm(Ví dụ 4.1 bài 3 - trang 121 - toán 2) Mỗi bài tôi gọi 2 học sinh lên trình bày bài giải. Ví dụ 4. - Chia thành phần bằng nhau Tôi gọi 2 học sinh lên bảng làm bài. Học sinh 1 Học sinh 2 Mỗi bình có số bông hoa là: Số bông hoa trong một bình là: 15 : 5 = 3 (bông hoa) 15 : 5 = 3 (bông hoa) Đáp số: 3 bông hoa. Đáp số: 3 bông hoa. Tôi lưu ý học sinh mỗi con có nghĩa là một. * Ví dụ 4.1. Học sinh 1 Học sinh 2 15 bông hoa cắm được số bình là: Số bình cắm hết 15 bông hoa là: 15 : 5 = 3 (bình) 15 : 5 = 3 (bình) Đáp số: 3 bình. Đáp số: 3 bình. Khi giải xong ở mỗi ví dụ tôi yêu cầu học sinh nhận xét 2 bài toán trên giống và khác nhau ở chỗ nào?( giống phép tính, khác câu lời giải và tên đơn vị) -Ví dụ 4 : 15 : 5 = 3( bông hoa) -Ví dụ 4.1: 15 : 5 = 3( bình hoa) Qua cách hướng dẫn và rèn luyện thường xuyên như vậy, đến nay học sinh lớp tôi gặp bất kỳ bài toán đơn nào cũng làm rất tốt. 2.4. Kỹ năng kiểm tra, đánh giá kết quả bài giải. Việc kiểm tra lời giải nhằm phân tích cho học sinh xem cách giải của mình đúng hay sai. Nếu sai thì sai ở chỗ nào để sửa. Trong thực tế có nhiều em mặc dù khả năng phân tích, lập luận chặt chẽ nhưng do tính toán nhầm nên kết 14
  15. quả bài toán vẫn sai hoặc có những em tính toán còn cẩu thả cách làm đúng nhưng viết nhanh ẩu, không có thói quen soát lại bài nên kết quả còn nhầm lẫn, thiếu sót.v.v. Với tất cả những trường hợp trên tôi thường khắc phục cho học sinh bằng cách: trong các tiết học chính khóa cũng như trong các tiết hướng dẫn học khi học sinh làm đến phần trình bày bài giải tôi đều để ý, nhắc nhở học sinh khi làm xong bài cần đọc lại, soát lại xem bài làm của mình đã đúng chưa, còn sai sót gì không? Nếu sai thì tự mình sửa lại cho đúng hoặc giáo viên giúp học sinh nhận ra chỗ sai rồi học sinh tự sửa lại. Sau khi dành thời gian thích hợp để làm việc đó, giáo viên khảo sát lại xem các em đã làm tốt chưa như sau: - Đọc lại bài giải của mình - Hoặc: + Đọc lại câu lời giải + Đọc lại phép tính có kèm đơn vị + Đọc lại đáp số Để học sinh lớp 2 nắm nắm chắc được các kỹ năng giải các bài toán có lời văn quả không dễ. Song nếu chúng ta hiểu tâm lí học sinh, biết dẫn dắt, gợi mở để học sinh tự tìm ra kiến thức trên cơ sở vận dụng những hiểu biết sẵn có của học sinh thì việc làm đó lại trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả. 3. Hướng dẫn học sinh nhận diện dạng toán, tìm cách giải phù hợp. Để giúp học sinh giải được các bài toán có lời văn ở các dạng toán khác nhau thì điều quan trọng là các em phải nhận ra bài toán thuộc dạng nào để lựa chọn phương pháp giải. Khi rèn cho học sinh kĩ năng nhận diện dạng toán để lựa chọn cách giải phù hợp tôi thường tiến hành như sau: - Cho học sinh đọc đề bài - Phân tích đề bài - Nhận diện dạng toán - Chọn cách giải * Ví dụ 1: Con gấu nặng 210kg, con sư tử nặng hơn con gấu 18kg. Hỏi con sư tử nặng bao nhiêu ki-lô-gam? ( Bài 4-trang 157-toán 2) Tôi tiến hành như sau: - Gọi 1, 2 học sinh đọc đề bài - Bài toán cho biết gì? Hỏi gì? - Bài toán này thuộc dạng toán nào?( dạng toán nhiều hơn) - Tại sao con biết bài toán này thuộc dạng toán nhiều hơn?( Con dựa vào từ khóa của bài toán là “nặng hơn”) 15
  16. Sau khi nhận diện được bài toán này thuộc dạng toán “ nhiều hơn” học sinh lớp tôi đã dễ dàng tìm được cách giải phù hợp. Bài giải Con sư tử nặng số ki-lô-gam là: 210 + 18 = 228( kg) Đáp số: 228kg Đối với dạng toán có lời văn không thể thiếu được bước này. Các em có đọc kĩ đề bài mới hiểu được bài toán cho biết gì? Yêu cầu tìm cái gì? Học sinh lớp 2 tư duy của các em còn mang tính cụ thể, mà các bài toán có lời văn thực chất là những bài toán thực tế mà các em thường gặp. Nội dung các bài toán phong phú, gần gũi với thực tiễn xung quanh các em. Bài toán thường đặt ra dưới dạng giải quyết một tình huống có trong thực tiễn, được thông qua những câu văn nói về những quan hệ tương quan và phụ thuộc, có liên quan tới cuộc sống hằng ngày. Thực tế giảng dạy với bài toán về “nhiều hơn”, sau khi đọc kĩ đề bài tôi thường lưu ý cho học sinh chú ý vào cụm từ “nhiều hơn”, “nặng hơn”, “cao hơn”, “dài hơn” một số đơn vị để xác định được đó là dạng toán: Bài toán về nhiều hơn. Còn đối với bài toán về “ít hơn” tôi lại nhấn mạnh cho học sinh chú ý vào cụm từ “ít hơn”, “nhẹ hơn”, “ngắn hơn”, “thấp hơn” một số đơn vị để xác định được đó là dạng toán: Bài toán về ít hơn. Nhờ đó, khi gặp những bài toán này học sinh lớp tôi xác định được dạng toán rất nhanh. 4. Nâng cao kỹ năng “giải toán có lời văn” thông qua trò chơi toán học. Sử dụng hình thức trò chơi toán học trong khi dạy toán rất phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học, sẽ được học sinh hưởng ứng và tham gia tích cực. Trò chơi giúp các em thay đổi không khí học tập, hứng thú học tập. Từ đó các em ham thích học tập hơn. Những trò chơi mà tôi đã áp dụng trong khi dạy “giải bài toán có lời văn” đó là: 4.1. Thi giải toán nhanh Trò chơi thi giải toán nhanh nhằm củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng tính toán, phát huy trí lực cho học sinh. Đối với học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 2 các em nhanh nhớ nhưng lại cũng nhanh quên. Do đó những kiến thức đã học phải được củng cố, luyện tập thường xuyên. Trò chơi này tôi thường tổ chức ở tiết hướng dẫn học với hình thức như sau: Tôi chia lớp thành 4 nhóm, đại diện các nhóm tham gia giải toán nhanh để củng cố kiến thức đã học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và phát triển tư duy cho học sinh, đặc biệt là những học sinh khá, giỏi. 16
  17. Ví dụ: Giải bài toán theo tóm tắt sau: 16l Thùng 1: 2l Thùng 2: ?l (Bài 3 – Trang 43, toán 2) Với đề bài này tôi yêu cầu học sinh đặt đề toán hoàn chỉnh trước khi giải bài (Nhìn tóm tắt đặt đề miệng trước lớp). Sau đó tiến hành chơi như sau: * Giáo viên nêu tên trò chơi - Thi giải toán nhanh. * Cách chơi: - Chia lớp thành 4 nhóm. - Yêu cầu học sinh thảo luận nhóm và làm bài vào bảng nhóm trong thời gian 5 phút. - Làm xong gắn bài lên bảng. Cử một bạn lên trình bày phần bài giải của nhóm mình. * Luật chơi: - Trong thời gian 5 phút, nhóm nào gắn bảng nhóm trước, trình bày bài đầy đủ, đúng, đẹp nhóm đó sẽ thắng cuộc. * Cách đánh giá: - Về thời gian. - Về câu lời giải và độ chính xác - Cách trình bày bài. Sau khi các nhóm đã hoàn thành phần thi của mình tôi yêu cầu học sinh dưới lớp nhận xét, sửa câu lời giải và cách trình bày giúp nhóm bạn (nếu sai). Cuối cùng giáo viên và học sinh bình chọn, công bố nhóm thắng cuộc. Với cách tổ chức trò chơi như vậy, tôi thấy kĩ năng diễn đạt lời văn của học sinh lớp tôi rất tiến bộ mà hơn nữa các em lại nắm bài rất chắc. Hoặc cuối tiết học (phần củng cố) tôi thường tổ chức cho các em chơi trò chơi Ai nhanh, ai đúng để củng cố nội dung bài học cho học sinh, giúp các em tìm ra nhiều cách giải hay trong một bài toán. Ví dụ: Mỗi học sinh được mượn 4 quyển sách. Hỏi 5 học sinh được mượn mấy quyển sách? ( Bài 3 - Trang 100, toán 2) * Chuẩn bị: Mỗi em một tờ giấy có in sẵn đề trong tờ giấy đó. 17
  18. * Cách chơi: - Phát giấy cho học sinh. - Học sinh tự làm bài cá nhân ra giấy. * Luật chơi: Học sinh chọn cách làm nhanh nhất. * Cách đánh giá: Học sinh nộp bài cho giáo viên. Giáo viên xếp bài của học sinh theo 4 tổ, đánh dấu thứ tự người nhanh nhất của từng tổ(1,2,3 ) Giáo viên chấm 3 bài theo thứ tự 1-3 trong số những bài nhanh nhất. Cuối cùng giáo viên đưa ra đáp án của bài. 5 học sinh được mượn số quyển truyện là: 5 x 4 = 20 (quyển) Đáp số : 20 quyển truyện. Với cách giải như vậy sẽ nhanh hơn các em dùng tính cộng( 4 + 4 + 4 + 4 + 4 = 20). Từ đó khẳng định ai là người thắng cuộc. Mỗi đội chọn hai em giải đúng và nhanh nhất được tặng hai điểm mười, còn những em giải đúng và nhanh thứ hai được tặng một điểm mười, ghi vào ngàn hoa điểm tốt của lớp. Sử dụng trò chơi “Thi giải toán nhanh” trong phần củng cố sẽ gây hứng thú học tập cho các em, giúp các em được luyện tập, củng cố kiến thức, không gây căng thẳng, nhàm chán trong giờ học, tạo cho các em có cảm giác “học mà chơi, chơi mà học”. Từ đó tạo không khí học tập sôi nổi, vui vẻ. Chính vì thế kĩ năng giải toán của các em lớp tôi được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh hình thức trò chơi để củng cố nội dung bài học ở cuối tiết học, tôi còn tổ chức cho các em “vui học toán” dưới dạng: 4.2. Đố vui toán học. Sử dụng hình thức “đố vui” trong tiết luyện toán sẽ gây hứng thú học tập, rèn luyện trí thông minh, óc sáng tạo và khả năng suy nghĩ linh hoạt nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo cho học sinh, đặc biệt là học sinh khá, giỏi. * Rèn kĩ năng giải toán đơn về “nhiều hơn”, “ít hơn” Đôi khi giáo viên có thể đưa bài thơ vào các tiết học để thay đổi hình thức học tập, giúp học sinh vừa thư giãn, vừa nắm được bài. * Ví dụ 1: Tuổi con cho biết lên 3 Và con thua bố 24 tuổi mà Đố em, đố bạn gần xa Tuổi bố, em tính được là bao nhiêu? * Ví dụ 2: Mẹ em đi chợ hôm nay Mua cam 10 quả vừa xinh, vừa tròn Quýt thì lại kém cam 2 Đố bạn tìm được quýt là bao nhiêu? 18
  19. * Ví dụ 3: Lớp em học giỏi, chăm ngoan Hay cười, hay hát 25 nữ này Nam thì thua nữ 5 đây Lớp em nam tính ra ngay số nào? Thi tài thử sức xem sao Ai nhanh đáp đúng, mừng tràng pháo tay. Ngoài ra giáo viên cũng có thể sưu tầm các bài toán dân gian, như: * Ví dụ 4: Vừa gà vừa chó Bó lại cho tròn Ba mươi sáu con Một trăm chân chẵn Hỏi có bao nhiêu con gà, bao nhiêu con chó? * Rèn kĩ năng giải toán đơn bằng phép tính nhân, chia Tôi đưa ra các câu đố sau: * Ví dụ 5: Mẹ có 20 kẹo Chia cho hai con yêu Số kẹo đều bằng nhau Hỏi mẹ chia như vậy Mỗi con được bao nhiêu? * Ví dụ 6: Bạch Tuyết có một số na Chịu cho 5 chú lùn ta Mỗi chú 10 quả không thừa, không dư Tặng cho các bạn học chăm Bạn ơi, cho tớ hỏi thêm câu này: Số na Bạch Tuyết có đây Là bao nhiêu quả đáp ngay khó gì? Khó gì bạn đáp liền đi Nhi đồng thi với thiếu nhi ai tài? Với các bài tập sử dụng hình thức “đố vui” toán học này tôi luôn yêu cầu học sinh đọc lại câu hỏi sau đó thảo luận nhóm 4 (mỗi nhóm cử một đại diện ghi chép). Khoảng 3 - 5 phút tôi gọi đại diện nhóm lên trình bày bài giải của nhóm mình. Học sinh khác lắng nghe và nhận xét (nếu sai thì nêu rõ lí do và tìm cách sửa lại cho đúng). 19
  20. Sau đó tôi yêu cầu học sinh so sánh cáh giải của các nhóm xem cách nào nhanh và gọn hơn để học tập. Cuối cùng giáo viên công bố kết quả: nhất, nhì, ba. Mỗi câu đố là một bài toán. Để các bài toán được chuyển thành một bài thơ gần gũi với đời sống hàng ngày của các em. Nội dung kiến thức ẩn chứa trong mỗi dòng thơ, mỗi câu thơ. Hơn thế học sinh tiểu học vốn ham hiểu biết, tò mò. Vì vậy khi tôi đưa ra những câu đố có nội dung toán học, các em rất hào hứng suy nghĩ để tìm ra lời giải đáp nhanh nhất. Với hình thức tổ chức như vậy, học sinh lớp tôi rất say sưa học tập, làm việc độc lập, tích cực, hào hứng khi được lên bảng trình bày bài. Nhờ đó óc suy luận, tư duy của các em được phát triển, kĩ năng giải toán có lời văn cũng ngày càng tinh tế hơn. 5. Kết hợp với phụ huynh để rèn kĩ năng giải toán cho học sinh. Việc kết hợp giữa gia đình, nhà trường để giáo dục học sinh là một việc làm không thể tách rời nhau. Chính vì thế trong việc rèn kĩ năng giải toán có lời văn cho học sinh, tôi đã kết hợp cùng phụ huynh thông qua các hình thức sau: 5.1. Kiểm tra thường xuyên đối với học sinh yếu môn toán. Trong các giờ học toán trên lớp, tôi đặc biệt quan tâm đến những học sinh mà kĩ năng giải toán còn hạn chế, giúp đỡ các em để các em hiểu bài ngay tại lớp. Với những học sinh này tôi thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh vào cuối tuần( thông qua sổ liên lạc) và yêu cầu họ luôn kiểm tra vở của con mình để nắm bắt tình hình học tập của con, kịp thời nhắc nhở khi con có lỗi cũng như động viên khi con tiến bộ. Sau một thời gian thực hiện như vậy các em học sinh lớp tôi đã có nhiều tiến bộ. Từ việc ban đầu con sợ học các bài toán có lời văn đến việc các em hiểu bài rồi hứng thú và thích học toán như em: Ngô Thành Vinh, Phạm Quang Tú, Bùi Tuấn Tú, Phạm Xuân Lộc, 5.2. Khen thưởng kịp thời những học sinh tiến bộ trong học tập. Khen thưởng kịp thời chính là động cơ thúc đẩy các em học tập tốt hơn, hăng say hơn. Tạo cho các em niềm vui hứng thú học tập. Chính vì vậy, sau mỗi một tuần học vào những giờ sinh hoạt lớp, đối với những học sinh có tiến bộ nhiều về môn toán tôi đều khen ngợi, biểu dương trước tập thể lớp. Song song với việc làm đó, hàng tháng tôi thường kết hợp với hội cha mẹ học sinh của lớp dành những phần thưởng nhỏ bé (3 quyển vở) để thưởng cho những học sinh có tiến bộ về kĩ năng giải toán có lời văn như em: Ngô Ngọc Ly, Hà Minh Quang, Nguyễn Duy Đức, Tạ Quỳnh Anh, 5.3 Trao đổi thông tin hai chiều. Sau mỗi đợt kiểm tra định kì, để phụ huynh nắm rõ được kết quả học tập của con em mình, tôi đều ghi kết quả những bài kiểm tra vào sổ liên lạc (Ví dụ 20
  21. như em Ngô Ngọc Ly: Học có tiến bộ về môn toán, có kĩ năng giải toán có lời văn tốt.) để phụ huynh thấy được năng lực của con em họ và từ đó cùng với giáo viên có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ em thêm. Không chỉ đối với những em học sinh giỏi, với những em học sinh còn kém về kĩ năng giải toán có lời văn thì việc làm này có tác dụng rất lớn bởi thông qua những nhận xét trong sổ liên lạc như: em Bùi Quang Tú ban đầu kĩ năng giải toán còn rất chậm. Từ những lời nhận xét của giáo viên phụ huynh đã có kế hoạch kèm cặp con em mình trong việc học bài ở nhà nhiều. Bằng một số biện pháp trên, trong suốt quá trình giảng dạy tôi đã áp dụng ở lớp 2B và đã thu được kết qủa đáng mừng: Học sinh lớp tôi rất thích học toán, nắm chắc và giải tốt các bài toán có lời văn. Đến nay, tôi đưa ra bất kì bài toán có lời văn nào các em cũng có thể xác định đúng dạng toán, biết cách tóm tắt bài và trình bày bài giải tương đối tốt. Nhiều em đến nay có kĩ năng giải toán tốt như em: Nguyễn Tuấn Đạt, Phạm Quang Tú, Phạm Thị Thu Hiền, Bùi Tuấn Tú đầu năm kĩ năng giải toán còn hạn chế, đến nay đã tiến bộ rõ rệt. Kết quả cụ thể về môn toán của lớp tôi qua từng thời gian như sau: Loại Số Giỏi Khá T.Bình Yếu SS Thời gian Bài SL % SL % SL % SL % Giữa HK 1 40 40 20 50,0 12 30,0 5 12,5 3 7,5 Cuối HK 1 40 40 25 62,5 10 25,0 3 7,5 2 5,0 Giữa HK 2 40 40 29 72,5 9 22,5 2 5,0 0 0 Qua các đợt thi hội học trong trường, học sinh lớp tôi luôn đạt giải nhất trong khối. Trong đợt thi giải toán trên mạng Internet lớp tôi đã có 2 học sinh tham gia thi cấp huyện và 1 học sinh đi tiếp vào vòng thi Thành phố. 21
  22. PHẦN III. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ I. KẾT LUẬN Bằng kinh nghiệm và qua thực tế giảng dạy tôi thấy: Rèn kĩ năng giải toán cho học sinh tiểu học rất công phu bởi nó là một kĩ năng tính toán tổng hợp. Muốn cho học sinh lớp 2 nắm chắc và giải tốt các bài toán nói chung và dạng toán “giải toán có lời văn” nói riêng, người giáo viên cần: - Nghiên cứu kĩ nội dung dạy học của từng chương, từng bài để tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với học sinh của lớp mình. - Lựa chọn phương pháp và hình thức dạy học cho phù hợp, truyền đạt cho các em dễ hiểu giúp các em nắm chắc từng dạng toán. - Luôn tạo không khí sôi nổi trong lớp học để các em nắm bắt kiến thức tự nhiên, dễ dàng. - Động viên, khích lệ học sinh kịp thời. - Rèn luyện học sinh kỹ năng giải toán dưới nhiều hình thức tích cực, chủ động lĩnh hội kiến thức. - Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh học sinh cùng kết hợp dạy dỗ các em trong học tập để có kết quả cao. - Học tốt môn toán ở lớp 2 là tiền đề để các em học tốt môn toán ở các lớp trên. Qua việc “rèn kỹ năng giải toán có lời văn” cho học sinh lớp 2 tôi thấy: Các em rất say sưa học tập môn toán đặc biệt là “giải toán có lới văn”. Các em đã nắm vững được ý nghĩa của phép tính, qua đó rèn được năng lực tư duy giải toán, học sinh được phát triển khả năng diễn đạt khi “giải bài toán có lời văn” ở lớp 2 là tiền đề vững chắc để các em có thể học tốt dạng toán này ở các lớp trên. Hơn thế nữa các em có khả năng chiếm lĩnh được những tri thức của chương trình mới ở bậc tiểu học và bậc phổ thông, góp phần nâng tri thức toán học của các em lên một tầm cao mới. II. KHUYẾN NGHỊ Đối với học sinh lớp 2 tư duy của các em mang tính trực quan, cụ thể. Do vậy trong quá trình biên soạn sách giáo khoa toán lớp 2, Bộ Giáo dục - đào tạo nên kết hợp các mô hình, hình vẽ trong các bài toán có lời văn với màu sắc đẹp, hấp dẫn để gây hứng thú học tập cho học sinh. Từ đó giúp các em giải bài toán tốt hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn ! Nam Hồng, ngày 12 tháng 4 năm 2013 XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết, không sao chép nội dung của người khác. Phạm Thị Hồng 22
  23. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 – Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII. 2. Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học ở tiểu học. (Nhà xuất bản Giáo dục) 3. Một số vấn đề về nội dung và phương pháp dạy học môn toán ở tiểu học. (BDTX) 4. Phương pháp dạy học các môn ở lớp 2 (Nhà xuất bản Giáo dục) 5. Hỏi - đáp về dạy học toán 2 (PGS – TS. Đỗ Đình Hoan – Nguyễn Áng) 6. Vui học toán 2 ( Nhà xuất bản Giáo dục) 7. Chuyên đề giáo dục Tiểu học 8. Sách giáo khoa toán 2 – sách giáo viên toán 2 – sách thiết kế toán 2. 9. 200 câu hỏi đáp về dạy toán ở Tiểu học( Nhà xuất bản Giáo dục). 23
  24. PHẦN PHỤ LỤC ĐỀ KIỂM TRA KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM NĂM HỌC 2012-2013 MÔN: TOÁN – LỚP 2 THỜI GIAN: 40 PHÚT (không kể thời gian chép đề) Câu 1. Viết các số: a) Từ 40 đến 50 b) Mười sáu, ba mươi tư, bốn mươi lăm, hia mươi chín. Câu 2. a) Khoanh vào số lớn nhất: 14, 18, 30, 45. b) Khoanh vào số bé nhất: 22, 62, 41, 29. Câu 3: Tính: 23 + 34 = 4 + 33 = 42 cm + 4 cm = 78 – 35 = 76 – 5 = 16 + 2 – 5 = Câu 4. a) Lan hái được 22 bông hoa, Hà hái được 17 bông hoa. Hỏi cả hai bạn hái được bao nhiêu bông hoa? b) Một sợi dây dài 16cm, đã cắt đi 4cm. Hỏi sợi dây còn lại dài bao nhiêu xăng-ti-mét? Câu 5. a) Vẽ đoạn thẳng AB có độ dài 6cm. b) Trong một tuần lễ, em đi học vào các ngày (thứ) nào? c) Hình? B Hình . Hình . Hình . .AB 24
  25. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 – Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII. 2. Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học ở tiểu học. (Nhà xuất bản Giáo dục) 3. Một số vấn đề về nội dung và phương pháp dạy học môn toán ở tiểu học. (BDTX) 4. Phương pháp dạy học các môn ở lớp 2 (Nhà xuất bản Giáo dục) 5. Hỏi - đáp về dạy học toán 2 (PGS – TS. Đỗ Đình Hoan – Nguyễn Áng) 6. Vui học toán 2 ( Nhà xuất bản Giáo dục) 7. Chuyên đề giáo dục Tiểu học 8. Sách giáo khoa toán 2 – sách giáo viên toán 2 – sách thiết kế toán 2. 9. 200 câu hỏi đáp về dạy toán ở Tiểu học( Nhà xuất bản Giáo dục). 25