Giáo án Ngữ văn 12 - Tuần 32: Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn 12 - Tuần 32: Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- giao_an_ngu_van_12_tuan_32_nhung_dua_con_trong_gia_dinh_nguy.doc
Nội dung text: Giáo án Ngữ văn 12 - Tuần 32: Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi
- Tuần 32: Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi I. Tác giả Nguyễn Thi - Nguyễn Thi tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca (bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn), quê ở xã Quần Phương Thượng (nay là xã Hải anh), huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Sớm mồ côi cha từ năm mười tuổi, mẹ đi bước nữa, Nguyễn Thi phải chịu vất vả, tủi cực từ nhỏ. Năm 1943, một người anh đưa ông vào Sài Gòn. Năm 1945, ông tham gia cách mạng và sau đó gia nhập lực lượng vũ trang. Nguyễn Thi vừa cầm súng chiến đấu, vừa hăng hái tham gia hoạt động văn nghệ (vẽ tranh, soạn bài hát, sáng tác điệu múa, ). - Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội. Thời gian này ông viết truyện ngắn với bút danh Nguyễn Ngọc Tấn. Năm 1962, ông tình nguyện trở về miền Nam đánh giặc. Nguyễn Thi hi sinh ở mặt trận Sài Gòn, trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Sáng tác của Nguyễn Thi thuộc nhiều thể loại như thơ, bút kí, truyện ngắn, tiểu thuyết, Các tác phẩm chính được sưu tầm trong cuốn Truyện và kí xuất bản năm 1978. Trong đó có những truyện nổi tiếng như Đôi bạn, Người mẹ cầm súng,Mẹ vắng nhà, Những đứa con trong gia đình, ngoài ra ông còn có tập thơ Hương đồng nội viết năm 1950. II. Tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” 1. Giới thiệu chung - “Những đứa con trong gia đình” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Thi, được viết ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt khi ông công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. - Truyện kể về những người con trong một gia đình nông dân một lòng một dạ đi theo cách mạng và có mối thù sâu sắc đối với quân giặc. Chiến và Việt - hai chị em đồng thời là hai nhân vật chính của tác phẩm không còn cha mẹ. Cha bị địch giết hồi chín năm còn mẹ thì chết vì bom đạn của giặc Mĩ. Họ lớn lên trong sự dìu dắt, đùm bọc của chú Năm và sau này là của đoàn thể, đồng đội (một gia đình mới thân thiết của họ). Tuy nói chuyện một gia đình nhưng tác phẩm của Nguyễn Thi có khả năng bao trùm hiện thực rộng lớn-có biết bao người, bao gia đình cũng phải gánh chịu những mất mát và đã vượt lên như thế trong cuộc chiến tranh khốc liệt này. 2. Đọc – hiểu văn bản a. Nhân vật Việt - Tính cách nổi bật của Việt đó là sự hồn nhiên, vô tư và trong sáng của một chàng trai mới lớn. + Là một chiến sĩ trẻ, đồng đội hay gọi Việt là “cậu Tư”, Việt có nụ cười “lỏn lẻn” rất dễ thương. Đặc biệt, lúc nào Việt cũng giữ bên mình cái ná thun mà hồi nhỏ hay bắn chim. + Trong một trận chiến đấu ác liệt tại một rừng cao su, Việt đã hạ được một xe bọc thép của địch nhưng bị thương nặng, ngất đi tỉnh lại mấy lần. Trong đêm sâu thăm thẳm, Việt không sợ chết, không sợ bom đạn của giặc Mĩ mà chỉ sợ bóng đêm và sợ ma. + Nét hồn nhiên, trẻ con của Việt còn được Nguyễn Thi khắc họa ở những chi tiết rất tự nhiên và thú vị. Hồi ở nhà, Việt thường hay tranh phần hơn với chị, từ những đêm đi soi ếch ngoài ruộng đến việc đi bộ đội, việc lập chiến công. + Trong cái đêm trang trọng trước khi vào bộ đội, mặc cho chị Chiến sắp xếp, tính toán, Việt lúc thì “ lăn kềnh ra ván cười khì khì”, lúc đùa nghịch "chụp một con đom đóm úp trong lòng tay" và thú vị quan sát điệu bộ, cử chỉ, cách nói năng "in hệt má" của chị.
- + Vào bộ đội rồi, Việt "giấu chị như giấu của riêng vậy" vì sợ mất chị trước những lời gạ gẫm đùa tếu của anh em. + Trong lúc Việt bị thương, hình ảnh người mẹ thân yêu luôn chập chờn trong hồi ức với bao kỉ niệm. Nét trong sáng, ngây thơ của Việt cũng bộc lộ rất rõ trong nỗi nhớ thẳm sâu, trong những ước mơ rất dung dị “Ước gì bây giờ lại được gặp má. Phải, ví như lúc má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại, xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xoong cơm đi làm đồng để ở dưới xuồng lên cho Việt ăn ”,Việt còn nhớ đồng đội, “Việt muốn chạy thật nhanh, thoát khỏi sự vắng lặng này, về với ánh sáng ban ngày, gặp lại anh Tánh, níu chặt lấy các anh mà khóc như thằng Út em vẫn níu chân chị Chiến ”. - Nhưng sự hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng không ngăn cản Việt trở thành một anh hùng. + Ngay từ khi còn bé tí, Việt đã dám xông vào đá thằng giặc đã giết chết cha mình. Khi trở thành một chiến sĩ, Việt đã chiến đấu rất dũng cảm bằng tất cả sức mạnh thể chất lẫn tinh thần, bằng ý chí bất khuất thừa hưởng từ một gia đình cách mạng. + Trong một trận đánh, Việt đã tiêu diệt được một chiếc xe bọc thép của địch. Bị thương nặng, mất liên lạc với đồng đội, trơ trọi một thân, chịu đói chịu khát, mình đầy thương tích, Việt vẫn cố gắng chịu đựng. + Nghe tiếng súng nổ, Việt cố lê mình về hướng đó, “cây súng đẩy đi trước, hai cùi tay lôi người theo chính trận đánh đang gọi Việt đến. Phía đó là sự sống”. Cuối cùng đồng đội đã tìm được Việt. Dù kiệt sức, Việt vẫn giữ tinh thần sẵn sàng chiến đấu sinh tử với kẻ thù, một ngón tay của cậu vẫn còn nhúc nhích, một viên đạn đã lên nòng và chung quanh cậu, dấu xe bọc thép vẫn còn nằm ngang dọc.: + Hình ảnh người lính bị thương nặng nhưng vẫn giữ tư thế chiến đấu đến hơi thở cuối cùng đã thể hiện cao độ tính cách anh hùng của nhân vật. Quả thực, Việt đã là một người lính chững chạc trong khi còn mang đầy đủ nét thơ ngây, trong sáng, đáng yêu của một cậu bé vừa đến tuổi thành niên. - Và có lẽ, nét đẹp tâm hồn sâu thẳm nhất của Việt đó chính là tình yêu thương và sự gắn bó tha thiết với gia đình. + Cha mẹ đều đã hi sinh, chị Hai thì ở xa, tình cảm yêu thương của Việt đối với chị Chiến thật sâu đậm. Trước khi tòng quân, sắp xếp việc nhà xong, Việt và chị Chiến cùng khiêng bàn thờ má gởi nhà chú Năm “Việt khiêng trước, chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên, Việt mới thấy lòng mình rõ như thế”. + Ngoài tình thương dành cho chị Chiến, Việt còn rất thương chú Năm. Tình cảm đó hình thành từ những ngày Việt còn nhỏ, “Việt thương chú Năm vì hồi đó chú hay bênh Việt. Mỗi khi cất giọng hò, chú làm như Việt chính là nơi cụ thể để chú gởi gắm những câu hò đó ”. + Đọc “Những đứa con trong gia đình”, người đọc không thể nào quên tình yêu thương mà Việt dành cho cha mẹ. Hình ảnh người mẹ thân yêu luôn hiện lên trong tâm trí của Việt. Trong đêm tòng quân, Việt tưởng tượng như má đã về đâu đây, “má biến theo ánh đom đóm trên nóc nhà hay đang ngồi dựa vào mấy thúng lúa mà cầm nón quạt?”. Trong lúc Việt bị thương, dường như nỗi nhớ về má đã tiếp thêm sức mạnh cho Việt. Việt hiểu tất cả cuộc đời vất vả của má, cả mọi ý nghĩ lặng lẽ trong đêm của má và cả những gian lao, hiểm nguy mà má đã trải qua một cách không hề sợ hãi => Nguyễn Thi đã khắc họa tính cách nhân vật Việt một cách sắc nét từ tính tình vô tư, hồn nhiên, tình cảm gắn bó tha thiết với gia đình đến tinh thần chiến đấu anh dũng không bằng những sắc màu tráng lệ mà qua một loạt những hình ảnh rất sống động và chân thực. Nét đặc sắc trong ngòi bút của Nguyễn Thi là ngôn ngữ đậm màu sắc Nam Bộ.
- b. Nhân vật Chiến - Nhà văn đã xây dựng nhân vật Chiến với những nét rất sinh động qua hồi tưởng của Việt. Đó là một cô gái đôn hậu, thương em hết mực, đảm đang, chăm chỉ, lo toan mọi việc. Kí ức của Việt gắn với hình ảnh của chị Chiến, với kỷ niệm tuổi thơ trong trẻo của hai chị em. Chiến và Việt kề tuổi nhau nên có lúc còn rất trẻ con, nhưng bao giờ trong những lần cãi vã thì chị cũng nhường em. Đến khi tham gia cách mạng, Chiến tỏ ra chín chắn hơn Việt. Những mất mát đau thương đã khiến cô gái ấy sớm trưởng thành, nhưng không hề làm chai sạn tâm hồn giàu nữ tính. Lúc nào Chiến cũng có cái gương nhỏ, như những người con gái mới lớn nào cũng thích làm duyên. - Nhân vật Chiến là biểu tượng đẹp của những người phụ nữ miền nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Sinh ra trong - một gia đình chịu nhiều mất mát do kẻ thù gây ra. Ngay từ bé, cô đã chứng kiến cái chết của cha thật tàn khốc: bị giặc bắn chết, chặt đầu bêu giữa chợ. Mấychị em đã cùng má đau đớn đến cực độ đi đòi đầu ba. Chiến đã không thể nào quên được cái chết của má: “bị miểng văng trúng, má chết, trái cà nông lép còn nóng hổi trong rổ”. Tất cả điều đó đã tạc vào tâm khảm cô mối thù sâu nặng, không đội trời chung với kẻ thù xâm lược. Chí căm thù đã ghi tạc trong ý thức của người con gái kiên trung này một lời thề: phải cầm súng đánh giặc để trả thù cho ba má. - Chiến là một cô gái trẻ mang vóc dáng của mẹ, với “hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng thân người to và chắc nịch”. Đó là vẻ đẹp của những con người sinh ra để gánh vác, để chống chọi, để chịu đựng, để chiến đấu và chiến thắng. Chưa bao giờ Chiến giống má hơn cái đêm sắp xa nhà đi bộ đội, Chiến lo liệu, sắp xếp mọi việc trước sau, từ em út, nhà cửa, ruộng vườn đến nơi gửi bàn thờ ba má. - Tình yêu thương gia đình là vẻ đẹp tâm hồn của người con gái này. Hơn Việt chỉ chừng hơn một tuổi nhưng Chiến người lớn hơn hẳn so với cậu em. Chiến có thể bỏ ăn để đánh vần cuốn sổ gia đình, có thể nhường nhịn em từ công bắt ếch, vết đạn bắn thằng Mĩ trên sông Định Thủy nhưng việc đi bộ đội cầm súng để trả thù cho ba má thì Chiến không thể nhường. Khi biết Việt muốn đi bộ đội, Việt đi đâu, Chiến cũng dòm chừng, coi Việt có bọc quần áo theo không. Ở đây, lẫn với niềm khát khao đánh giặc là tình thương em của người chị, chưa muốn em phải chịu đựng những hiểm nguy nơi chiến trường khốc liệt. - Từ tình yêu thương gia đình, từ lòng căm thù giặc, Chiến đã trở thành một chiến sĩ gan góc, dũng cảm. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, quê hương mấy chục năm trời đầy bóng giặc, tang tóc đau thương trùm lên mọi gia đình, cha mẹ đều là dũng sĩ nên Chiến dường như sinh ra để mà đánh giặc, đánh giặc để trả thù cho ba má, cho gia đình và cho quê hương, đất nước. => Nét đặc sắc trong ngòi bút của Nguyễn Thi là ngôn ngữ đậm màu sắc Nam Bộ. Những chi tiết về dáng dấp, cử chỉ, lời nói của nhân vật được miêu tả tỉ mỉ. Truyện đã phát huy tối đa lời độc thoại nội tâm, những hồi ức khi đứt, khi nối tưởng chừng như rời rạc nhưng thật chặt chẽ theo “dòng ý thức” của nhân vật Việt. c. Hình ảnh cuốn sổ gia đình: - Hình ảnh cuốn sổ gia đình được nhắc tới mấy lần trong truyện có ý nghĩa rất quan trọng. Nó cho ta thấy ý đồ nghệ thuật của nhà văn muốn qua câu chuyện một gia đình mà đề cập những vấn đề khái quát hơn. Lời của chú Năm trong truyện đã nói lên điều đó : "Chú thường ví chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó". - Cuốn sổ ghi chép đủ những sự việc đáng nhớ xảy ra với gia đình, từ chuyện người nào bị giặc giết ngày nào đến chuyện ai bị chúng nhục mạ ra sao. Đặc biệt, cuốn sổ kể khá tỉ mỉ từng chiến công đánh giặc của các thành viên gia đình, trong đó có chiến công của Chiến và Việt theo du kích bắn tàu Mĩ trên sông Định Thuỷ. Cuốn sổ là lịch sử một gia đình, nó cho thấy truyền thống và sự tiếp nối. Đó là một hình thức giáo dục lòng tự hào, lòng yêu nước mà chú Năm rất có ý thức xây dựng cho thế hệ con cháu. Chú nói : "Chừng nào bây trọng trọng tao giao cuốn sổ cho chị em
- bây". Câu nói ấy rất mực tự nhiên mà chứa đầy ý nghĩa. Chính thế hệ trẻ sẽ là người viết tiếp những trang sử mới, vẻ vang cho truyền thống. - Cuốn sổ gia đình là minh chứng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tác phẩm. d. Giọng hò chú Năm: - Nhân vật Chú Năm hiện lên trong tác phẩm rất ấn tượng với "giọng hò đã đục và tức như gà gáy","Chú hay kể sự tích của gia đình và cuối câu chuyện, thế nào chú cũng hò lên mấy câu". Giọng hò của người đàn ông trung niên này tuy không hay nhưng chứa đựng một cái gì đó thật tha thiết khiến cho chị em Chiến, Việt rất cảm động. - Trước khi Chiến và Việt vào bộ đội, chú Năm cũng cất giọng hò. “Câu hò nổi lên giữa ban ngày, bắt đầu cất lên như một hiệu lệnh dưới ánh náng chói chang, rồi kéo dài, từng tiếng một vỡ ra, nhắn nhủ, tha thiết, cuối cùng ngắt lại như một lời thề dữ dội.” - Giọng hò chứa đựng ý nghĩa vô cùng lớn lao, đó là lời nhắn nhủ đối với thế hệ con cháu, là lời thề thủy chung son sắt với quê hương, đất nước. Nó thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của con người Nam bộ: chân chất, mộc mạc, có lòng căm thù giặc cao độ và thủy chung son sắt với gia đình, với quê hương. e. Chi tiết hai chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm: - Trước khi tòng quân, sắp xếp việc nhà xong, Việt và chị Chiến cùng khiêng bàn thờ má gởi nhà chú Năm “Việt khiêng trước, chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên, Việt mới thấy lòng mình rõ như thế . Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể sờ thấy được vì nó đang đè nặng ở trên vai”. “Hai chị em khiêng má men theo chân vườn thoảng mùi hoa cam. Con đường mà ngày xưa má vẫn đi để lội hết đồng này sang bưng khác”. - Chi tiết này đã khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Việt: hồn nhiên, bộc trực, yêu thương, gắn bó sâu sắc với gia đình, với quê hương, có lòng căm thù giặc cao độ. - Đồng thời chi tiết này đã thể hiện nhiều ý nghĩa: +Khẳng định trách nhiệm của thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ xâm lược. +Sự tiếp nối của các thế hệ trong việc giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. +Góp phẩn thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tác phẩm. II. TỔNG KẾT - Tác phẩm được kết cấu theo những đợt hồi tưởng của Việt khi anh bị trọng thương, thất lạc đồng đội trong mấy ngày đêm. Diễn biến truyện hết sức linh hoạt, xáo trộn không gian lẫn thời gian, đan xen quá khứ lẫn hiện tại. Dòng tâm tư trong truyện chảy trôi, khi đến gần bờ hiện tại, khi lại lượn xa tắp về thời quá vãng, nhịp trôi khi chậm khi nhanh, khi liền khi đứt. Tâm trạng con người hiện lên chân thật, tự nhiên, bởi nó vốn dĩ vẫn như thế trong đời sống. Điều này giúp cho nhân vật hiện lên với đầy đủ những nét về tính cách, tâm hồn, tình cảm. - Tác phẩm thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi vẻ đẹp con người Nam Bộ trong kháng chiến chỗng Mỹ. - Ngôn ngữ dung dị, mang đậm màu sắc Nam Bộ.