Dạy đọc - hiểu truyện ngắn sau 1975 trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông, mấy vấn đề cần lưu ý

doc 5 trang thienle22 5650
Bạn đang xem tài liệu "Dạy đọc - hiểu truyện ngắn sau 1975 trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông, mấy vấn đề cần lưu ý", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docday_doc_hieu_truyen_ngan_sau_1975_trong_chuong_trinh_ngu_van.doc

Nội dung text: Dạy đọc - hiểu truyện ngắn sau 1975 trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông, mấy vấn đề cần lưu ý

  1. Dạy đọc - hiểu truyện ngắn sau 1975 trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông, mấy vấn đề cần lưu ý 1. Trong hai bộ sách giáo khoa Ngữ văn trung học phổ thông biên soạn theo tinh thần tích hợp (bộ cơ bản và bộ nâng cao), Một người Hà Nội của Nguyễn Khải và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là hai truyện ngắn thuộc giai đoạn văn học 1975 - 2000 được lựa chọn. Cùng với tác phẩm thuộc các thể loại khác (Đàn ghi ta của Lor-ca - thơ Thanh Thảo, Hồn Trương Ba da hàng thịt - kịch của Lưu Quang Vũ, Ai đã đặt tên cho dòng sông? - kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Mùa lá rụng trong vườn - tiểu thuyết của Ma Văn Kháng), sự có mặt hai truyện ngắn này đã góp phần khắc phục tình trạng chậm trễ, lạc hậu của chương trình môn Văn trong nhà trường so với thực tế văn học. Quả vậy, chương trình cũ thiếu vắng những sự kiện, những tác phẩm làm nên diện mạo khác hẳn của văn học Việt Nam trong gần một phần ba thế kỉ, và chính điều này phần nào làm cho môn Văn trong nhà trường mất đi sức hấp dẫn. Ta biết rằng, sau 1975, văn học đã có bước chuyển mình quan trọng: khuynh hướng sử thi, lãng mạn giảm dần, thay vào đó là cảm hứng thế sự. Việc chọn các tác phẩm thuộc giai đoạn 1975 - 2000 đưa vào chương trình cũng đồng thời đặt người giáo viên Ngữ văn trước những áp lực nhất định. Ấy là một thứ áp lực nẩy sinh khi đối diện với những cái mới, cái khác trong văn học. Ở đây, những tri thức đọc - hiểu (bao gồm tri thức văn học sử, đặc trưng thể loại mà sách giáo khoa cung cấp), là hết sức cần thiết, nhưng chưa đủ. Giáo viên cũng có thể được gợi ý từ những nhận định của bài Khái quát Văn học Việt Nam từ cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX ở hai bộ sách (cơ bản và nâng cao). Tuy nhiên, do khuôn khổ của một bài khái quát, những luận điểm được nêu trong hai bộ sách nói trên vẫn còn rất chung chung, chưa thể cung cấp đầy đủ cho giáo viên những tiêu chí nhận diện cái mới trong văn học sau 1975 so với trước đó, nhất là ở những thể loại cụ thể. Điều này đòi hỏi giáo viên phải tự trang bị cho mình một vốn hiểu biết sâu rộng hơn, đặc biệt là những gì liên quan đến sự khác biệt trong văn học hai thời kì (trước và sau 1975). 2. Việc thay thế cảm hứng sử thi bằng cảm hứng thế sự là một sự đổi mới hết sức căn bản trong văn học. Nó kéo theo sự thay đổi nhiều phương diện. Có thể thấy rõ điều này qua hai truyện ngắn sau 1975 có mặt trong chương trình Ngữ văn 12 mà chúng ta đang đề cập. So với Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Đất (Anh Đức), thì Một người Hà Nội của Nguyễn Khải và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu có nhiều nét khác biệt. Không hẹn mà gặp, hai truyện ngắn này đều miêu tả hiện thực cuộc sống ngay sau chiến tranh. Ở Một người Hà Nội, đó là những ngày tháng tiếp quản thủ đô sau chiến thắng Điện Biên Phủ; ở Chiếc thuyền ngoài xa, đó là sau năm 1975, đất nước thống nhất, chấm dứt ba mươi năm chiến tranh tàn khốc. Trên cái nền thực tại ấy, vấn đề được đặt ra không còn là số phận của dân tộc, của cộng đồng trong thử thách máu lửa, trong đấu tranh sinh tử, mất còn, mà là thân phận con người trong cuộc sống đời thường. Nó trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà văn, chi phối mọi phương diện của tác phẩm. Nói cách khác, quan niệm của nhà văn về hiện thực và cách miêu tả hiện thực trong văn học đã có những đổi khác. Đọc Một người Hà Nội và Chiếc thuyền ngoài xa, ta hoàn toàn có thể hình dung bối cảnh cuộc sống được các tác giả dựng nên, làm nền cho sự xuất hiện của các nhân vật. Ngoài bối cảnh
  2. chung của lịch sử xã hội như đã nêu trên (hiện thực sau chiến tranh), độc giả còn được tiếp xúc với các những mảnh đời cụ thể ở một vùng đất cụ thể. Đó là cuộc sống của con người Hà Nội sau 1954 với những biến cố làm đổi thay mọi mối quan hệ (Một người Hà Nội); là một xóm chài ven biển miền Trung, nơi mỗi gia đình cư ngụ trên một chiếc thuyền lưới vó (Chiếc thuyền ngoài xa). Không thể tìm thấy ở đây những bức tranh cuộc sống được vẽ nên bởi niềm lạc quan, tin tưởng, bởi dự cảm về một tương lai tươi sáng như những trang viết trước đây của chính Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu. Đọc các truyện ngắn này, độc giả rất cần chú ý những không gian được miêu tả, gắn với hoạt động, cách hành xử của các nhân vật trong gia đình, họ mạc, bạn bè Cuộc sống riêng tư phải được biểu hiện đầy đủ, trọn vẹn trong không gian đời tư, và chỉ có trong không gian đời tư ấy, nhân vật mới bộc lộ rõ nét nhất bản chất, tính cách của mình. Tương ứng với điều đó, con người được tái hiện trong những truyện ngắn này không còn là "con người chính trị", "con người mới" với bao nhiêu phẩm chất lí tưởng từng được nói đến nhiều trong văn học trước 1975. Cái nhìn của họ về thế sự, về cuộc đời cũng không chịu sự ràng buộc, rập khuôn, mà bằng chính đôi mắt của mình. Trong niềm vui bất tận của những ngày tiếp quản thủ đô, bà Hiền (Một người Hà Nội) không hề giấu giếm những suy nghĩ thẳng thắn: "Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ ?". Bà thẳng thừng tuyên bố: "Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ". Cũng từ cách nhìn nhận riêng của mình về cuộc sống, người đàn bà làng chài khốn khổ (Chiếc thuyền ngoài xa) đã lay động nhận thức của những người như Phùng (người làm nghệ thuật) và Đẩu (người thực thi pháp luật): "Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc ". Những suy nghĩ, phát ngôn như thế là kết quả của sự tự ý thức sâu sắc về bản thân, về cuộc sống, hoàn toàn khác với những nhân vật được "bao cấp tư tưởng" phổ biến trong nền "văn học minh họa" mà Nguyễn Minh Châu từng "đọc lời ai điếu". Dù viết về những mảng hiện thực khác nhau, miêu tả cuộc sống của những giai tầng khác nhau, nhưng cả hai truyện ngắn mà ta đang đề cập rất chú trọng chuyện miếng ăn, chuyện làm ăn của con người. Trong truyện của Nguyễn Minh Châu, đói khổ, cùng cực, túng quẫn, vất vả, lam lũ, thiếu đói trở đi trở lại như những điệp khúc xót xa được người đàn bà làng chài nói lên bằng sự trải nghiệm cay đắng. Thật cô cùng ám ảnh chi tiết những ngày động biển, "cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối". Đặt chi tiết này vào bối cảnh cuộc sống những năm sau chiến thắng lịch sử 1975, ta càng hiểu thêm dụng tâm của tác giả. Cách mạng dĩ nhiên là hết sức cao cả, vĩ đại, nhưng thân phận của con người cũng đâu có vô nghĩa, nhỏ nhoi. Có những điều tưởng tầm thường, nhỏ nhặt, hóa ra lại rất hệ trọng, to tát đối với con người. Hạnh phúc hay bi kịch của đời người có khi bắt đầu từ những "tiểu tiết", từ chuyện không đâu như miếng cơm manh áo. Trước cách mạng, Nam Cao từng thấm thía điều đó. Sau này, trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lưu Quang Vũ cũng cất tiếng dõng dạc bênh vực cho quyền được sống đích thực là người, trước hết là được ăn no, được thụ hưởng những nhu cầu vật chất chính đáng. Văn chương thế sự khác biệt với văn chương sử thi chính từ những chi tiết "vụn vặt" ấy. Khác với người đàn bà làng chài khốn khổ trong truyện của Nguyễn Minh Châu, nhân vật bà Hiền của Nguyễn Khải sống lịch lãm, từng trải, và qua biết bao biến thiên của thế sự, vẫn vẹn nguyên cái bản ngã được hun đúc, tôi luyện để trở nên một thứ "hạt bụi vàng". Tuy nhiên, xét đến cùng, cái lịch lãm của bà Hiền cũng không vượt thoát khỏi sự kiềm tỏa của vòng sinh kế. Mọi toan tính của bà đều thể hiện sự tỉnh táo, khôn ngoan, cốt làm sao "sống được" trong cái cơ
  3. chế chật chội, bó buộc. Sự sắc sảo, tỉnh táo, thức thời giúp bà nhận ra một sự thực: “Chế độ này không thích cá nhân làm giàu, chỉ cần họ đủ ăn, thiếu ăn một chút càng hay, thiếu ăn là vinh chứ không là nhục”. Đấy là một sự nhận thức sâu sắc và cay đắng. Sâu sắc vì lúc bấy giờ, không phải ai cũng nhìn ra được cái sự thực phi lí, trớ trêu ấy. Cay đắng vì bất lực, chẳng biết làm thế nào trước cái quan niệm hẹp hòi có nguy cơ triệt tiêu bao tiềm năng của con người, biến cả những người có tài thành kẻ vô dụng, ăn bám. Ngày nay, khi việc làm giàu được xem là một quyền chính đáng của mỗi công dân, nhìn lại, mới thấy bộ óc sắc sảo, nhạy bén của những con người một thời như bà Hiền đáng quí biết bao nhiêu. Và, thật thú vị khi ta đối sánh "tầm nhìn xa" của bà Hiền với "tầm nhìn xa" của anh chủ nhiệm Biền được chính Nguyễn Khải ngợi ca ở "cái thời lãng mạn". Một bước tiến trong nhận thức về chính trị, xã hội và nghệ thuật được ghi dấu bằng sự thay đổi trong quan niệm về con người. Vậy mà, thật hài hước, có người khi tiếp cận Một người Hà Nội còn đòi đưa cái thước "yêu nước, nhân đạo" để "đo" phẩm chất của nhân vật bà Hiền ! 3. Với những truyện ngắn như Một người Hà Nội và Chiếc thuyền ngoài xa, sự đối thoại, dân chủ trong tiếp cận tác phẩm là hết sức cần thiết. Nếu văn học trước 1975 thường có xu hướng đơn nhất, thống nhất về ý nghĩa, thì, tính mơ hồ, đa nghĩa lại là đặc điểm khá nổi bật của các tác phẩm văn học đổi mới. Ở đây, kiểu cắt nghĩa giản đơn, một chiều, sự độc quyền chân lí không còn chỗ đứng. Ngược lại, nó mời gọi nhiều lối tiếp cận, nhiều cách đọc, cách diễn dịch khác nhau. Tính chất "mở" thể hiện trước hết ở những nghịch lí mà nhà văn miêu tả trong tác phẩm. Những quan hệ nhân - quả hợp lí giữa các sự kiện như thường thấy trong văn học trước đây đã bị thay thế bằng những quan hệ bất thường, thách đố sự biện giải lí tính. Đọc Chiếc thuyền ngoài xa, thật khó hiểu được do đâu mà người đàn ông làng chài lại có hành động tàn nhẫn đến mức kì quái như thế với vợ. Nó không diễn ra theo kiểu bột phát, tức thì hoặc như một thứ phản xạ bản năng thường thấy ở những kẻ vũ phu. Người chồng ở đây có những biểu hiện thật dị thường. Hắn đủ kiên nhẫn đi theo vợ đến một quãng xa con thuyền rồi mới ra tay. Đánh vợ mà như báo thù, như một kiểu "thi hành án". Đánh vợ mà cứ đều đặn "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng" như đã được lên lịch sẵn. Lạ hơn, đó là kiểu đánh mà hắn đã "gia ơn" cho vợ khi chị ta xin hắn không phải chịu đòn trên thuyền, trước mặt đàn con. Có một cái gì thật quái đản, rất khó lí giải, cũng như không thể biện minh bằng bất cứ lí do gì. Nếu sự hung hãn, vũ phu của người chồng là điều cực kì khó hiểu, thì sự cam chịu, nhẫn nhục của người vợ cũng không dễ lí giải hơn. Dù bị chồng xúc phạm nặng nề, đánh đập tàn nhẫn, người đàn bà ấy vẫn lặng lẽ chấp nhận như một kiểu "chịu nạn". Hơn thế, khi tòa cho rằng, trường hợp này không thể hòa giải, chỉ có một giải pháp "tối ưu" là chị phải từ bỏ người đàn ông độc ác ấy, những tưởng chị sẽ cảm thấy nhẹ người, nào ngờ chị ta bỗng hốt hoảng. Chứng kiến những điều lạ lùng ấy, Đẩu và Phùng đồng thanh thốt lên: "Không thể nào hiểu được !". Có lẽ đó cũng là phản ứng, thái độ của số đông độc giả trước cảnh ngộ của người đàn bà làng chài - nhân vật chính trong truyện. Tuy nhiên, thể hiện những nghịch lí cuộc sống, Nguyễn Minh Châu muốn cho độc giả thấy rằng, cuộc sống thực ra không hề đơn giản như ta vẫn nghĩ. Nó chứa đựng nhiều góc khuất, nhiều bí ẩn đòi hỏi phải được khám phá. Và thực tế, trong tác phẩm của mình, nhà văn đã "thể nghiệm"
  4. một số "phương án". Chẳng hạn, thói vũ phu của người chồng, nếu như dưới cái nhìn nghiêm khắc của Phùng và Đẩu là đáng lên án, dưới ánh mắt phẫn nộ của thằng Phác là đáng trừng trị, thì với người vợ - nạn nhân, đó là điều có thể thông cảm. Cũng vậy, nhìn một cách khách quan, theo lẽ thường tình, sự nhẫn nhục của người đàn bà là hết sức phi lí, nhưng nếu ta thử đặt mình vào cảnh ngộ của chị để tìm lối thoát, thì mới thấy sự thể không dễ dàng như ta vẫn tưởng. Luận đề nghệ thuật - một trong những nội dung quan trọng của tác phẩm - cũng gợi mở nhiều cách hiểu khác nhau. Nhan đề Chiếc thuyền ngoài xa có ý nghĩa gì? Bức ảnh ghi lại vẻ đẹp hài hòa đến mức lí tưởng của chiếc thuyền trong sương sớm tương phản bất ngờ với sự tàn bạo ghê gớm cũng như nỗi đau khổ tận cùng của những con người bước ra từ chính chiếc thuyền ấy, phải chăng đã nói lên cái khoảng cách muôn thuở giữa nghệ thuật và cuộc sống? Cái đẹp cao cả của nghệ thuật có thể đánh thức những cảm xúc thánh thiện của tâm hồn, nhưng phải chăng nó vẫn cứ xa cách và bất lực trước thực tế trụi trần, nham nhở của những kiếp nhân sinh? Hay nghệ thuật dù kì diệu đến đâu cũng khó mà ôm trùm được mọi khía cạnh phức tạp, đa chiều của muôn mặt cuộc đời? Tại sao người nghệ sĩ mỗi lần ngắm kĩ bức ảnh đen trắng của mình lại thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai? Và, cuối cùng, tất cả những ý nghĩa của luận đề nghệ thuật ấy phải chăng đã được Nguyễn Minh Châu ý thức đầy đủ và kín đáo gửi gắm vào tác phẩm bằng "thi pháp gói rào"? Mỗi câu hỏi như thế có thể tìm thấy bao nhiêu câu trả lời, và hình như không có câu trả lời nào là duy nhất đúng. Trong Một người Hà Nội, tính "mở" không thể hiện ở các nghịch lí mà ở những khả năng đánh giá khác nhau về những câu chuyện được đề cập, hoặc về những nhân vật được khắc họa. Dường như mỗi câu nói "có vấn đề" của bà Hiền đều có thể "bị" đem ra phân tích, mổ xẻ và tất yếu sẽ có những kết luận không giống nhau, tùy lập trường của người đánh giá. Quả thật, trong văn học ta, khi xây dựng những nhân vật chính diện, nhân vật tiêu biểu cho văn hóa Hà Nội, có lẽ chưa ai dám đặt vào miệng nhân vật những câu nói như Nguyễn Khải đã làm. Cũng vậy, người ta có thể cật vấn tác giả: một con người có lai lịch, hành trạng, cung cách sinh hoạt như bà Hiền thì liệu có thể được xem là "hạt bụi vàng" của đất kinh kì? Tuy nhiên, chính những vấn đề nêu trên sẽ mở ra khả năng đối thoại cho học sinh - điều rất thú vị và cũng hết sức cần thiết đối với công việc dạy đọc - hiểu văn bản hiện nay, khi tính tích cực chủ động của người học đang đòi hỏi phải được phát huy. 4. Một người Hà Nội và Chiếc thuyền ngoài xa đều khá giống nhau ở kiểu nhân vật kể chuyện. Câu chuyện về bà Hiền được kể bằng lời của Khải - người có quan hệ họ hàng với bà (nhân vật kể chuyện trùng tên với tác giả chắc không phải ngẫu nhiên). Cũng vậy, chuyện về gia đình làng chài được kể bằng lời của Phùng - người chứng kiến. Kiểu nhân vật kể chuyện này dễ gây cảm giác về tính xác thực, tính khả tín của câu chuyện. Cũng có thể có cách xử lí khác: câu chuyện được đề cập trong hai truyện ngắn trên đây được kể bằng lời của nhân vật vô nhân xưng, tức là kiểu nhân vật kể chuyện toàn tri. Qua lời kể của nhân vật khiếm diện này, mọi ngóc ngách cuộc sống, kể cả nội tâm con người đều được soi tỏ, thấu suốt. Hẳn các tác giả có chủ ý khi khước từ phương thức trần thuật này. Không chọn kiểu nhân vật kể chuyện toàn tri, dường như Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu đều ý thức rằng, cuộc sống là phong phú vô tận cũng như con người chứa đựng bao nhiêu bí ẩn, mọi nỗ lực tái hiện nó bằng văn học dù sao cũng chỉ là kết quả một cách nhìn. Không thể xác quyết rằng, đó là cách nhìn duy nhất đúng, cách nhìn duy nhất
  5. có ý nghĩa. Chính cách xử lí nghệ thuật này đã góp phần mở rộng thêm tính chất đối thoại của tác phẩm, và do vậy, ý nghĩa của nó sẽ được nhân lên theo khả năng "đọc" của độc giả. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Khái quát văn học Việt Nam từ cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX, Ngữ văn 12, tập 1, Nxb GD 2008, tr.16; 2. Khái quát văn học Việt Nam từ cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX, Ngữ văn 12 nâng cao, tập 1, Nxb GD 2008, tr.18-19. 3. Kỷ yếu hội thảo Dạy học Ngữ văn theo chương trình và sách giáo khoa mới (2007), Nxb Nghệ An. 4. Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn đồng chủ biên, Văn học Việt Nam sau 1975, những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, 2006. 5. Đỗ Ngọc Thống, Tìm hiểu chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn THPT, Nxb Giáo dục 2006.